Bệnh nhân tiểu đường thường phải sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, giữ đường huyết ở mức an toàn. Tuy nhiên, vẫn có những cách giúp kiểm soát đường huyết không cần dùng tới thuốc, vừa an toàn, vừa hiệu quả. Chúng tôi, từ việc tham khảo nhiều nguồn thông tin, sẽ chia sẻ 8 cách điều trị bệnh tiểu đường không dùng thuốc hiệu quả dưới đây.
8 Cách điều trị bệnh tiểu đường không dùng thuốc hiệu quả
1. Thay đổi chế độ ăn
Đây là biện pháp bắt buộc nếu bệnh nhân muốn duy trì đường huyết ở mức ổn định. Bởi những loại thức ăn đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết của bệnh nhân. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), chế độ ăn của người bị bệnh tiểu đường cần tuân theo những nguyên tắc chung như sau:
* Giảm lượng tinh bột trong chế độ ăn hằng ngày từ bánh mì, cơm. Thay vào đó, hãy thay thế chúng bằng những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn như gạo lứt.
* Tăng cường rau xanh, chất xơ: Chất xơ giúp cơ thể chậm hấp thụ đường từ hệ tiêu hóa, đồng thời tạo cảm giác no mà không bị dư thừa năng lượng. Ngoài ra, chất xơ còn giúp nhuận tràng, tiêu hóa tốt hơn.
* Bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể từ trái cây ít đường: Lượng vitamin và khoáng chất trong trái cây rất dồi dào, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh nhân nên chọn những loại hoa quả có ít đường để tránh làm tăng đường huyết khi ăn.
* Hạn chế chất béo từ động vật, thay thế bằng chất béo thực vật: Chất béo từ động vật là những loại chất béo có hại. Chúng làm tăng nồng độ cholesterol máu, từ đó tăng nguy cơ xơ vữa thành động mạch và thúc đẩy nhanh tiến trình gây ra biến chứng tiểu đường.
* Uống sữa dành cho người bị bệnh tiểu đường: bệnh nhân có thể uống sữa mỗi ngày để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lựa chọn sử dụng những loại sữa ít đường, ít béo hoặc dành riêng cho người bị bệnh tiểu đường.
* Hạn chế các loại thịt đỏ: Thịt lợn, thịt bò chứa nhiều chất béo. Vì thế, bệnh nhân bị tiểu đường nên hạn chế sử dụng và thay đổi món ăn hằng ngày với các loại thịt trắng từ cá hoặc thịt gia cầm.
2. Uống nhiều nước hằng ngày
Đối với cơ thể của người bị bệnh tiểu đường, lượng đường huyết tăng dẫn đến quá trình đào thải nước tiểu gia tăng với mục đích là đưa lượng đường ra ngoài cơ thể. Lượng nước tiểu khi được bài tiết ra ngoài nhiều sẽ dẫn tới tình trạng cơ thể bệnh nhân bị mất nước.
Khi bị mất nước, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng cô đặc máu, tăng nồng độ chất hòa tan gây khó khăn cho việc đào thải lượng đường thừa và các chất cặn bã khác, dẫn tới nguy cơ hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu.
Nếu người khỏe mạnh bình thường cần tiêu thụ 1,5-2,5 lít nước/ ngày thì đối với bệnh nhân bị tiểu đường, cần bổ sung nhiều nước hơn người bình thường. Điều đó sẽ làm tăng lưu lượng máu, cải thiện tốc độ tuần hoàn ngoại vi, ngăn sự phát sinh và phát triển các biến chứng mà bệnh gây ra.
3. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn
Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn ở người có sức khỏe bình thường nói chung và người bị bệnh tiểu đường nói riêng là vô cùng tốt, nó giúp gia tăng sức chịu đựng cho tim và điều hòa đường huyết tốt hơn.
Tùy vào khả năng và thể trạng của từng bệnh nhân mà sẽ tập luyện theo các bài tập và cường độ cũng như tần suất khác nhau dưới sự khuyến nghị của bác sĩ
. Tập thể dục thể thao ở người tiểu đường giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng hơn, giảm lượng đường trong máu. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, dựa vào sở thích cá nhân và khả năng của bản thân, có thể tham khảo các bộ môn sau: đi bộ, đạp xe đạp, chạy chậm,…
4. Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì cân nặng hợp lý là vô cùng quan trọng trong việc giảm đề kháng insulin, ổn định đường huyết và ngăn ngừa sự phát triển của biến chứng tiểu đường. Vì thế mà khi điều trị bệnh tiểu đường, không được xem nhẹ việc giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Nếu bệnh nhân đang thừa cân hay béo phì thì nên lên kế hoạch để giảm cân. Tuy nhiên đừng cố gắng giảm cân quá nhanh, vì điều đó có thể làm suy nhược cơ thể, khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều trị bệnh. Thay vào đó, bệnh nhân cần giảm cân một cách an toàn, có quy trình với một chế độ ăn ít mỡ, ít đường, ít tinh bột và kết hợp với rèn luyện thể dục, thể thao.
5. Sử dụng thảo dược
Việc kết hợp đồng thời thảo dược thiên nhiên trong điều trị bệnh tiểu đường đang được áp dụng rộng rãi bởi tính an toàn và hiệu quả lâu dài. Nghiên cứu cho thấy, các thảo dược như Hoài Sơn, Mạch Môn, Nhàu, Câu kỷ tử mang lại hiệu quả cao trong việc hồi phục chức năng tuyến tụy, tăng cường sản xuất insulin.
6. Kiểm soát tốt stress
Stress làm tăng đường huyết của bệnh nhân, vì khi cơ thể bị stress thì hoocmon như adrenaline hay cortisol được giải phóng vào máu khiến nhịp thở của bệnh nhân tăng cao. Hậu quả là máu đến ngoài nhiều hơn ở ngoại biên, cơ thể không thực hiện chuyển hóa glucose nên đường huyết tăng cao.
Khi bị stress, bệnh nhân thường sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường để giải tỏa căng thẳng. Việc ăn uống không cân bằng này cũng khiến cho việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn. Ở người mắc bệnh tiểu đường còn chịu áp lực về vấn đề điều trị bệnh vì tiểu đường là bệnh lý mạn tính, cần điều trị trong thời gian dài nên càng làm tăng đường huyết hơn.
7. Tự theo dõi đường huyết tại nhà
Ngoài cân nặng, bệnh nhân cũng cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra các chỉ số như chỉ số đường huyết, chỉ số HbA1C, cùng một số xét nghiệm khác để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể và phát hiện các biến chứng sớm của bệnh tiểu đường.
Hiện nay, nhiều bệnh viện cũng triển khai gói sàng lọc tiểu đường để giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, phân loại chính xác type của tiểu đường, từ đó xây dựng chế độ dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết không dùng thuốc và giảm các biến chứng mà bệnh tiểu đường gây ra.
8. Từ bỏ các thói quen xấu
* Ngủ không đủ giấc khi mắc bệnh tiểu đường: Ngủ không đủ giờ sẽ làm giảm 32% lượng insulin mà cơ thể tiết ra. Vì thế, mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn đều làm mất cân bằng insulin, gây tăng đường huyết và làm trầm trọng hơn các biến chứng của bệnh tiểu đường.
* Dùng nhiều cafein: Lượng đường trong máu tăng sau khi uống cà phê do hàm lượng cafein cao. Tương tự như với trà xanh, trà đen và các đồ uống giàu năng lượng cũng vậy. Bệnh nhân cần hạn chế uống những loại đồ uống này.
* Ăn nhiều thức ăn nhanh : Các loại thức ăn nhanh như pizza, khoai tây chiên hay gà rán đều chứa nhiều chất béo có hại cho cơ thể, làm tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ đề kháng insulin. Tuy nhiên vẫn có những loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa, tốt cho người bị bệnh tiểu đường như: vừng, hạnh nhân,…Chất béo không bão hòa giúp cải thiện tình trạng kháng insulin cũng như giảm lượng chất béo trong gan.
Chúng tôi mong rằng những cách điều trị bệnh tiểu đường không dùng thuốc trên đây sẽ giúp ích được cho bạn hoặc người thân quen của bạn khi chẳng may mắc phải căn bệnh này.
Bạn có thể tham khảo thêm: tiểu đường mấy chấm thì phải uống thuốc